Một đôi giày chạy bộ tốt sẽ giúp bạn chạy thoải mái, hạn chế những chấn thương và giúp bạn có những kết quả tập luyện tốt hơn. Bạn hãy cùng TOP 10 CHẠY BỘ tìm hiểu cách chọn giày chạy cho người mới nhé.
Nội dung chính
Yêu cầu căn bản của giày chạy bộ
Giày chạy bộ giúp bạn:
- Thứ nhất, để bảo vệ bàn chân khỏi chấn thương – kết quả của các tác động lặp đi lặp lại khi chạy trên mặt đất
- Thứ hai, để tối đa hóa tốc độ bằng cách bám lấy bề mặt đường bằng hay địa hình
Hiểu được mục đích sử dụng như trên, chúng ta xác định một đôi giày chạy bộ cần đảm bảo các yêu cầu căn bản như:
- Giúp bạn chạy thoải mái, không bó, kích chân
- Phù hợp, ôm dáng bàn chân bạn
- Phù hợp kiểu đáp chân, dáng chạy của bạn
- Có độ bám dính tốt, giúp bạn chống trơn trượt khi chạy
Với một đôi giày như trên bạn đã có thể yên tâm tập luyện chạy bộ rồi.
Quy tắc ngón tay cái
Một đôi giày chạy bộ phù hợp là một đôi giày ôm trọn gót chân bạn, để chân không bị tuột khi di chuyển. Nhưng, giày vẫn cần cách một khoảng 1 đến 1,3cm (bằng kích cỡ một ngón tay cái) từ ngón chân đến mũi giày. Ngoài ra, bạn cần phải bảo đảm phần mu bàn chân của mình hoàn toàn thoải mái, không quá khít hoặc quá lỏng lẻo.
Do đó, kinh nghiệm chọn giày là nên chọn kích cỡ lớn hơn 1 size so với giày bình thường bạn hay đi.
Lựa chọn giày chuyên cho chạy bộ
Bạn nên tránh chọn những đôi giày có thiết kế đẹp nhưng không chuyên dụng cho chạy bộ. Giày chạy bộ có thể trông giống như những đôi giày thể thao khác, nhưng chúng có chứa các công nghệ chuyên dụng và các tính năng thiết kế riêng để giúp bạn chạy tốt hơn. Cơ thể bạn có thể di chuyển từ bên này sang bên kia, lên và xuống với những đợt tăng tốc và dừng đột ngột.
Không giống như giày thể thao khác, giày chạy bộ được thiết kế để ngăn chấn thương từ chuyển động lặp đi lặp lại bằng cách cung cấp thêm đệm để hỗ trợ giảm xóc và các tính năng thiết kế để giúp bạn tiến về phía trước dễ dàng hơn.
Lựa chọn giày theo địa hình chạy
Để chọn giày, bạn rất cần xác định rõ sẽ dùng đôi giày này để chạy trên đường bằng phẳng, đường nhựa (road) hay muốn chạy địa hình (trail).
Với mỗi loại địa hình chạy khác nhau sẽ có những đôi giày chuyên biệt khác nhau. Các hãng giày lớn hiện nay cũng đã sản xuất nhiều đôi giày có thể phù hợp cho cả chạy road và chạy trail. Tuy nhiên, những đôi giày chạy cho nhiều địa hình như thế thường có giá thành cao hơn nhiều so với loại giày chuyên cho một địa hình cụ thể.
So với giày chạy bộ đường bằng, giày chạy bộ địa hình có:
- Đế ngoài (outsoles) gồ ghề hơn: Đế ngoài của giày chạy địa hình thường gồ ghề hơn, mềm hơn; trong khi đó đế của giày chạy bộ đường bằng có xu hướng phẳng hơn, nhẵn hơn và bền hơn để chạy trên đường bằng.
- Đế giữa (midsoles) cứng hơn: Giày chạy trail thường có đế giữa cứng hơn giày chạy road để tạo ra một bề mặt đế ổn định trên địa hình không bằng phẳng. Giày chạy road thường có đế giữa mềm hơn.
- Phần trên (uppers) được gia cố: Phần trên của giày chạy bộ địa hình được gia cố để bảo vệ chân khỏi đá, rễ cây và vật nhọn trên đường đi. Giày chạy bộ đường bằng thì không đòi hỏi điều này, điều này có nghĩa rằng chúng thường nhẹ và thoáng khí hơn.
Sự khác biệt chính giữa hai loại giày nằm ở các loại chất liệu được sử dụng trong quá trình sản xuất chúng. Giày chạy road nhìn chung được làm từ những chất liệu nhẹ. Giày chạy trail thì nặng hơn, với đế dày hơn có thể giúp duy trì trạng thái nguyên vẹn của giày, ngay cả khi ở trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.
Lựa chọn giày theo kiểu lệch cổ chân
Kiểu lệch cổ chân (pronation) là chuyển động tiếp đất của bàn chân khi chúng ta đi bộ hoặc chạy. Để xác định kiểu lệch cổ chân, bạn có thể xem phần bị mòn của đế giày. Bạn cần lưu ý đến độ đàn hồi, giảm lực tác động của mặt đất lên chân, độ cân bằng và khả năng kiểm soát chuyển động của giày. Có ba kiểu chân: dạng bình thường, lệch trong và lệch ngoài.
Dạng bình thường là khi bàn chân tiếp đất bằng mé ngoài của gót chân, nghiêng dần vào trong khoảng 15 độ, sau đó đến các ngón chân. Phần phía trước của bàn chân sẽ tạo lực đẩy cơ thể tiến về phía trước. Bàn chân sẽ không bị tổn thương do trọng lượng cơ thể được cân bằng, độ sốc giảm. Người có bàn chân bình thường phù hợp với loại giày được lót đệm vừa phải.
Lệch trong là kiểu vòm chân thấp, bàn chân phẳng. Bàn chân tiếp đất bằng mé ngoài của gót chân, sau đó chân sẽ lật rất sâu vào mé trong, trọng lượng cơ thể bị dồn lên ngón cái và mé trong bàn chân. Ngón cái và ngón thứ hai sẽ đẩy cơ thể về phía trước nên người chạy thường xảy ra hiện tượng căng cơ, chai da, đau gót chân, đau xương cẳng chân, biến dạng ngón chân cái. Nếu có bàn chân lệch trong, bạn cần mang loại giày kiểm soát chuyển động để hạn chế sự lật chân quá mức.
Lệch ngoài là kiểu đáp gót và đẩy cơ thể tiến về phía trước bằng ức phần mé ngoài của giày. Dấu hiệu thường thấy ở giày chúng ta đang đi bị mòn gót và mòn phía ức giày mé ngoài. Với kiểu lệch ngoài này, bạn nên lựa chọn giày có đệm giày và êm.
Lựa chọn giày theo cách đáp chân
Thông thường, các bạn mới tập chạy chưa để ý đến dáng chạy nên có xu hướng đáp gót chân nhiều hơn. Với kiểu đáp chân này, khả năng chấn thương khá cao. Vì vậy, khi chọn mua giày bạn cần quan tâm đến độ dốc của gót giày và mũi giày (chỉ số độ dày hay mỏng của đế).
Với những bạn mới tập chạy, chỉ số càng cao thì độ đệm, độ bổ trợ càng tốt. Bạn nên bắt đầu tập chạy từ từ và chậm rãi để dễ điều chỉnh tư thế cho đúng.
Ngược lại, với người đã chạy lâu năm, đã có kinh nghiệm chạy đúng nên chọn giày có độ chênh lệch gót mũi giày nhỏ, ít đệm hỗ trợ để có cảm giác nhẹ và thanh thoát hơn.
Khi thử giày, nếu gót chân không bị trượt xuống lúc chuyển động và 10 đầu ngón chân có thể thoải mái cử động trong giày thì đó là đôi giày phù hợp cho bạn.
Xem thêm: Giày chạy bộ nam giá rẻ mà tốt
*
Trên đây, TOP 10 CHẠY BỘ đã hướng dẫn bạn những chi tiết cần quan tâm khi lựa chọn một giày chạy bộ. Chúc bạn chọn được đôi giày ưng ý, phù hợp nhất với mình để tập luyện marathon nhé!